Hệ thống chốt đẩy và chốt hồi trong khuôn ép nhựa
1/ Hệ thống chốt đẩy
Có chức năng đẩy được sản phẩm ra khỏi khuôn sau khi mở khuôn và đẩy được cả kênh dẫn nhựa. Yêu cầu đối với hệ thống đẩy là phải dễ dàng đẩy rời hẳn sản phẩm ra khỏi khuôn nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng và bề mặt sản phẩm vì vậy phải chọn phương pháp đẩy phù hợp với hình dáng của sản phẩm và vật liệu chế tạo sản phẩm. Phải chọn số lượng và vị trí của chi tiết đẩy hợp lý mà không ảnh hưởng đến độ bền cơ học của khuôn.
1.1/ Nguyên tắc thiết kế hệ thống đẩy
- Lực bám của sản phẩm khi đẩy F bám thực chất là lực ma sát giữa sản phẩm với bề mặt của lõi khuôn hoặc phần khuôn mà sản phẩm bao quanh. Ma sát này xuất hiện do ứng suất dư sinh ra trong quá trình làm nguội sản phẩm. Lực này phụ thuộc vào vật liệu chế tạo sản phẩm, diện tích, chất lượng, độ nghiêng của bề mặt tiếp xúc.
- Lực đẩy sản phẩm phụ thuộc vào diện tích tiếp xúc giữa chi tiết đẩy với bề mặt sản phẩm, phụ thuộc vào độ dày của sản phẩm tại chỗ tiếp xúc và vật liệu chế tạo ra sản phẩm. Để đẩy được sản phẩm thì lực đẩy phải lớn hơn lực bám (Fđẩy > Fbám).
- Ngoài ra vị trí đặt các chi tiết đẩy phải thật gần với thành sản phẩm ở nơi có lực bám lớn. Vị trí của hệ thống đẩy đặt trên khuôn chủ yếu được bố trí ở nửa khuôn động. Cũng có thể bố trí ở nửa khuôn tĩnh, khi đó ta phải thiết kế tấm kẹp tạo ra lực dọc khi khuôn mở.
1.2/ Phân loại hệ thống đẩy
- Đẩy bằng chốt: Nếu bề mặt sản phẩm rộng, bố trí nhiều chốt đẩy thì ta phải đặt thêm các tấm đẩy hoặc trụ đỡ để tránh cho khuôn khỏi bị hỏng. Nếu chốt nhỏ mà hành trình lớn thì để tránh cong chốt phải đặt các trục dẫn hướng.
- Đẩy bằng lưỡi đẩy: Đối với các sản phẩm thành mỏng bắt buộc phải đẩy vào thành thì chốt đẩy hình tròn sẽ không đủ lực đẩy. Khi đó người ta phải đẩy bằng lưỡi đẩy. Lưỡi đẩy là một lá thép mỏng, mặt cắt ngang là một hình chữ nhật hẹp được tăng cứng ở phần tấm kẹp và được dẫn hướng nhờ chi tiết dẫn hướng phụ.
- Đẩy bằng ống đẩy: Với các sản phẩm có lỗ, lực bám ở chốt tạo lỗ thường rất lớn cần phải đẩy bằng ống đẩy bao quanh lấy chốt tạo lỗ và đôi khi trên đầu chốt đẩy người ta đặt thanh đẩy.
- Đẩy bằng thanh đẩy, vành đẩy: Thường ứng dụng cho sản phẩm lớn và lực bám khuôn lớn. Để tránh làm hỏng lõi khuôn thanh đẩy phải để cách thành lõi khuôn lớn hơn 0,5mm. Thanh đẩy và chốt đẩy được ghép với nhau bằng vít hoặc chốt ngang
2/ Hệ thống chốt hồi
Hồi khuôn tự động: Sau khi đẩy sản phẩm ra khỏi khuôn, dưói tác dụng đàn hồi của lò xo lắp trên các chốt hội khuôn toàn bộ hệ thống đẩy sẽ chuyển động về vị trí ban đầu chuẩn bị cho chu kì ép tiếp theo .
Hồi khuôn cưỡng bức: Sau khi đẩy sản phẩm ra khỏi lòng khuôn, thớt khuôn động sẽ chuyển động dần về phía thớt tĩnh đưa toàn bộ hệ thống giàn đẩy về vị trí ban đầu chuẩn bị cho chu trình ép tiếp theo.